0

Nghi ve Duong Tuong va Lolita

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

dien toan dam may | kingsley montessori school | driver | download nero | phan mem diet virus |

QĐND Online – Vừa qua, buổi ra mắt bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường được tổ chức tại Hà Nội. Là "ngôi sao" ở buổi ra mắt Lolita , nhưng Dương Tường chỉ nói vài câu ngắn ngủi. Những gì ông nói rất giản đơn, thật thà, chất phác, khác hẳn một Dương Tường nhạy cảm, tinh tế trong thơ và trong dịch.

Một tháng sau khi Lolita ra đời, trên mạng xôn xao về bản dịch của ông, hay đúng hơn là về một câu duy nhất trong bản dịch của ông. Không ít người chê ông dịch kém. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông bị chê dịch kém trên báo chí Việt Nam.

Mới nhặt ra, hay đúng ra là hóng được ở nơi khác, 1 lỗi (tương đương 4 chữ trên 111.074 chữ của bản tiếng Anh), một số tờ báo đã hăng hái đặt ông cạnh những khái niệm như "dịch loạn" hay "thảm họa dịch thuật".

Bị những xôn xao ấy làm cho tò mò, tôi dành chút thời gian ít ỏi của người công chức Nhà nước để ngó vào bản gốc và bản dịch của ông. Thì đây:

She was Lo, plain Lo, in the morning, standing four feet ten in one sock. She was Lola in slacks. She was Dolly at school. She was Dolores on the dotted line. But in my arms she was always Lolita.

"Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita."

Mọi tranh cãi xoay quanh việc on the dotted line , theo một số ý kiến, phải dịch là "trên giấy tờ" bởi đây là cách nói phổ thông trong tiếng Anh để chỉ chỗ trống điền tên trong văn bản hành chính. Oxford Concise English Dictionary giải thích: a line of dots or dashes, especially as a space for a signature on a contract (một dòng gồm các dấu chấm hay gạch đứt, nhất là chỗ để ký tên trong hợp đồng). Người ta chê rằng dịch như ông là quá máy móc và thô thiển, người Việt không hiểu được.

Trang bìa cuốn "Lolita" bản tiếng Việt. Ảnh: internet

Tôi thì nghĩ khác.

Nếu tra Google với cú pháp: ["dòng kẻ chấm" -Lolita] (-Lolita để loại bỏ những kết quả liên quan đến cuốn sách) thì sẽ thấy 11.600 kết quả, trong đó có những câu như: Ghi tên trường sẽ dự thi và có nguyện vọng học vào dòng kẻ chấm hay Ghi họ, chữ đệm và tên của thí sinh vào dòng kẻ chấm. Rõ ràng Dương Tường dịch không sai, ông đã dùng một cụm từ quen thuộc trong tiếng Việt. Nếu ai đó phàn nàn rằng mình không hiểu, họ chỉ có thể tự trách mình kém tiếng Việt, không thể trách Dương Tường.

Khi cả hai cách dịch đều không sai về nghĩa, câu hỏi đặt ra là nên chọn cách nào?

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất và luôn luôn đúng trong dịch là phải đặt câu chữ trong văn cảnh. Cái này tưởng không cần nói nhiều nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ một số người phê phán Dương Tường đã quên mất điều đó.

Ở đây ta có năm câu tả Lolita. Năm câu này đều rất trần trụi, không hề dùng lời lẽ hoa mỹ (chữ plain – rõ ràng, đơn giản, là chỉ dấu đầu tiên, xác lập văn phong cho cả đoạn). Nabokov tả Lolita cực kỳ chân thực, nhấn mạnh vào sự tồn tại vật chất, bằng xương bằng thịt của em: em tên gì, em cao bao nhiêu, em đi tất, em mặc quần dài, em đi học, em trên dotted line , em trong vòng tay tôi… Tất cả để định hình, định nghĩa nên Lolita.

Cách dịch dotted line , vì vậy cũng phải đảm bảo tính nhất quán với các câu còn lại, tức là làm nổi bật tính vật chất (physicality), tính thực (tangible) của em. Đó là đòi hỏi thứ nhất.

Nếu ai tinh ý, sẽ thấy trong đoạn văn này còn có một trình tự thời gian tuyến tính rất rõ ràng: khi em ngủ dậy vào buổi sớm, khi em ở nhà (slacks là quần dài mặc ở nhà), khi em đến trường, khi em là Dolores on the dotted line , và khi em trở về và ngã vào vòng tay tôi. À, thì ra Humbert bị ám ảnh về em từ sáng đến tối. Nếu tư duy theo cách này, thì sau khi đến trường và trước khi về nhà, em làm gì với dotted line ? Câu tiếng Việt ở trên đã gợi ý cho ta: em điền tên mình vào bài kiểm tra. Tất nhiên, cũng có thể tư duy theo một cách khác: in slacks là ở nhà, at school là ở trường, và on the dotted line là ra ngoài xã hội.

Nhưng nói gì thì nói, cách dịch dotted line , một lần nữa, cũng phải đảm bảo tính nhất quán với ý tứ này của cả đoạn. Đó là đòi hỏi thứ hai.

Về đòi hỏi thứ nhất, giữa hai cách dịch, rõ ràng "trên giấy tờ" bóng bẩy hơn "trên dòng kẻ chấm". Tất nhiên sự bóng bẩy nếu có cũng chỉ ở mức 3,4 trên thang 10. Điều quan trọng là "Trên giấy tờ em là Lolita" trừu tượng quá, chỉ nói được sự tồn tại pháp lý, tồn tại trong hộ tịch của em mà thôi, không plain – rõ ràng, trần trụi và vật chất như "trên dòng kẻ chấm". Hơn nữa, còn một ám chỉ kín đáo: Humbert si mê em đến độ si mê cả tên em trên giấy. Dolores on the dotted line cũng như một cú máy close up, "zoom in" vào cái tên em trên tờ giấy trắng.

Về đòi hỏi thứ hai, cách dịch "trên giấy tờ" giữ được ý "ra ngoài xã hội", nhưng lại để mất ý "bài kiểm tra", do đó đánh mất tính liên kết ngữ nghĩa và làm đứt đoạn tuyến thời gian của văn bản. Cách dịch "trên dòng kẻ chấm" đảm bảo được cả hai, vì nó chung hơn, phổ quát hơn, có thể hiểu là "giấy tờ" cũng được mà "bài kiểm tra" cũng được.

Ở đây, nếu đoạn dịch của Dương Tường còn chút gì chưa trọn vẹn, thì tôi nghĩ nó nằm ở một đoạn khác: "in one sock". Người ta hay nói: She comes to the party in a beautiful dress. Nên "standing four feet ten in one sock" có lẽ ám chỉ rằng buổi sáng em không mặc gì ngoài một chiếc tất, còn ngái ngủ và dĩ nhiên là không trang điểm (plain). Cái uể oải sớm mai của một nàng thiếu nữ. Còn hình ảnh gì gợi cảm hơn thế?

Dĩ nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, có thể đúng, có thể sai, có thể đi quá xa, tán ra cái chính bản thân tác giả cũng không nghĩ đến. Nhưng tư duy và trí tưởng tượng của Nabokov chắc phải xa hơn tôi nhiều mới đúng chứ?

Tóm lại, tôi viết bài này không phải để bênh vực Dương Tường, cũng không phải để phản bác những người chê bai ông. Tôi, một người đã hai lần gặp ông và nhiều lần đọc sách ông dịch, chỉ muốn viết bài này để nói rằng: bác Tường ạ, cho dù có những người chê bai, thậm chí miệt thị bác, thì vẫn còn những độc giả như cháu, trân trọng và biết ơn bác. Vì những gì bác đã làm cho văn học dịch Việt Nam.

Yên Nhiên


Theo www.baomoi.com

0 Responses to "Nghi ve Duong Tuong va Lolita"

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...